Giới thiệu về Bánh Cốm Hàng Than
Từ lâu,
bánh cốm Hàng Than đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp và là món quà được ưa chuộng của du khách thập phương. Nghề bánh cốm làm quanh năm nhưng bận rộn nhất vào mùa cưới. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, các cửa hàng phải hoạt động hết công suất mới đủ phục vụ. Những cửa hiệu bánh cốm nổi tiếng như Nguyên Ninh, An Ninh, Nguyên Hưng... luôn đặt chữ tín lên hàng đầu để giữ gìn thương hiệu, bản sắc riêng cho sản phẩm của mình
Khác với các thứ bánh tồn tại trong dân gian nhiều thế kỉ qua, bánh cốm có “lai lịch xuất xứ” rất cụ thể. Món bánh này do ông tổ dòng họ Nguyễn Duy ở phố Hàng Than nghĩ thêm ra cách đem sấy khô hạt cốm, chế ra món bánh cốm để từ năm 1865 đến nay, cửa hàng bánh cốm Nguyên Ninh đã khơi dòng cho phố Hàng Than trở thành con phố “đặc sản” bánh cốm Hà thành. Nhưng nổi tiếng nhất phố Hàng Than vẫn là bánh cốm Nguyên Ninh tại 11 Dốc Hàng Than. Sở dĩ có tên là Nguyên Ninh bởi trước kia phố Hàng Than này thuộc làng Yên Ninh, tổng Yên Thành, ngoại thành Hà Nội. Nguyên Ninh hàm nghĩa bánh cốm sẽ mang trọn “Nguyên gốc làng Yên Ninh”.
Nguyên liệu, cách chế biến và bảo quản Bánh Cốm Hàng Than
Nguyên liệu
Cốm khô, đậu xanh đã cà vỏ, đường, vừng rang chín, bột nếp, dầu ăn, nước hoa bưởi, nước, lá nếp.
Cách chế biến
Chế biến từ cốm để trở thành bánh cốm, quy trình không kém công phu. Cốm dùng làm bánh phải là dạng cốm già, nghĩa là lúa cắt ở thời điểm hạt đã chắc xanh, vì cốm non khi vào đường sẽ tan hết, không dùng làm vỏ bánh được. Việc rang, giã, sàng, sẩy giống như quy trình sản xuất cốm non. Cốm làm xong sấy khô, đựng vào chum vại, hoặc đóng gói thật kín cho khỏi ẩm. Khi đem làm bánh mới đổ vào nồi hay chảo. Thường cứ 1 kg cốm đong khoảng 1,3 lít nước, trộn cho hạt cốm mềm, rồi pha tỷ lệ một đường một cốm, đặt lên bếp đun và đảo đều tay, khi gần được thì thêm ít giọt nước cất từ hoa bưởi, nhờ có tinh hoa bưởi mà bánh cốm có hương vị đặc biệt. Cái khéo là ở khâu đun cốm, nếu non thì bánh nhão, quá lửa thì bánh có mùi khét. Bí quyết để có được bánh cốm ngon, thơm hoàn toàn dựa vào thói quen và kinh nghiệm. Thứ nữa là khâu làm nhân bánh, muốn bánh ngon, dứt khoát phải chọn thứ đỗ vàng lòng, xanh vỏ. Đậu xanh được chọn là đậu ngon của vùng Thái Bình, Hà Bắc, Sơn La, còn các loại khác có thể dùng được nhưng chất lượng bánh không ngon và để lâu sẽ bị thiu. Có đỗ rồi, ta đem xay, ngâm, đãi vỏ để nấu tựa nấu cơm, cơm đỗ phải vừa chín tới, không nát không sượng, thật thơm và tơi, người làm bánh thường gọi là “xuê”. Đỗ đã “xuê” được cho vào cối giã mịn, rồi lại ngào đường với nước, cứ một kg đỗ thêm 1,2 kg đường kính, đun nhỏ lửa cho đến khi đỗ đạt độ khô dẻo thì cho thêm các thứ phụ gia, như mứt sen trần, dừa nạo, nước hoa bưởi… đảo đều rồi đem gói. Người ta chia nhân thành từng viên, rồi dùng thứ cốm đã nấu bọc ra ngoài. Dùng lá chuối non, hoặc giấy ni-lông gói lót để giữ thành bánh cho vuông. Tiếp đến gói vỏ ngoài cũng bằng lá chuối xanh, bẻ cho góc cạnh đều nhau, đặt nhãn hiệu ngoài cùng, rồi lấy lạt giang đã nhuộm đỏ buộc thành hình chữ thập, sau đó lại buộc 5 chiếc một cho tiện việc mua bán, chuyên chở.
Bảo quản
Vì không dùng chất bảo quản nên bánh cốm thường chỉ để được 4,5 ngày là hỏng.
Là đặc sản gia truyền của Hà Nội, bánh cốm Hàng Than hấp dẫn thực khách bởi lớp cốm xanh dẻo quánh bên ngoài, lớp nhân đậu xanh quyện dừa béo ngậy bên trong, thoang thoảng hương thơm tự nhiên của bưởi. Chiếc bánh nhỏ, mỏng, dẹt nhưng là món quà ý nghĩa của đất và người Hà Nội. Không chỉ biếu tặng, bánh cốm còn là đặc sản không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.Hãy đến với
Mẹo vặt X Home để được thưởng thức
đặc sản Hà Nội này mà không cần đi đâu xa, nhấc điện thoại là hàng sẽ được giao đến tận nhà, Bánh Cốm Hàng Than đảm bảo chất lượng và sức khỏe cho quý khách.
Phượng
BÌNH LUẬN